
Tóm tắt hệ thống quản trị rủi ro
Mô hình quản trị rủi ro:
Đối với Công ty Cổ phần VICEM Vật tư Vận tải Xi măng, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư đều phải được nhận diện, đánh giá rủi ro trước khi ra quyết định trong quản lý, điều hành.
Quản trị rủi ro cấp Cơ sở: Các phòng, ban, bộ phận kinh doanh, đầu tư phải phân tích các yếu tố có liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình, qua đó nhận diện, đánh giá mức độ ảnh hưởng của rủi ro, cân nhắc các phương án kinh doanh trước khi đưa ra các quyết định tối ưu trong quyền hạn của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đồng thời đề ra các biện pháp phòng ngừa và khắc phục rủi ro (nếu có).
Quản trị rủi ro cấp Công ty:
- Các phòng quản lý Công ty (Kế toán thống kê tài chính, Kinh tế Kế hoạch, Pháp chế & Quan hệ cổ đông, Kỹ thuật) thẩm định các phương án kinh doanh, đề xuất của các phòng kinh doanh, tham mưu, đề xuất với Giám đốc/ Phó Giám đốc phụ trách để ra các quyết định phù hợp.
- Ban Giám đốc Công ty là cấp cuối cùng ra quyết định đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền mà có ảnh hưởng lớn đến hoạt động bền vững và hiệu quả của Công ty.
- Bộ phận kiểm soát nội bộ Công ty định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình của các đơn vị trực thuộc Công ty.
Nội dung quản trị rủi ro:
Quản trị rủi ro liên quan đến Phát triển bền vững Công ty: Phân tích đánh giá môi trường kinh doanh bên ngoài, bên trong Công ty có ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của Công ty như: Chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cầu nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, sự cạnh tranh của các đối thủ; các quy định trong quản trị Công ty; quản lý dòng tiền trong quyết định các dự án đầu tư phát triển… để từ đó nhận diện các thách thức, nguy cơ dẫn đến rủi ro cho Công ty cũng như sự cần thiết phải xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ngắn, trung và dài hạn.
Quản trị rủi ro các phương án Kinh doanh: Phân tích đánh giá tình hình biến động của các yếu tố đầu vào, đầu ra như: Biến động của giá cả, tỷ giá ngoại tệ; nhu cầu của thị trường; ảnh hưởng của thời tiết; chính sách bán hàng của nhà cung cấp; sự hoạt động ổn định của máy móc thiết bị… để xác định rủi ro và đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Tạo môi trường cho công tác Quản trị rủi ro: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm nội bộ (quy chế, quy định, quy trình…) đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty làm cơ sở kiểm soát tính tuân thủ, đánh giá tính hợp lý và hiệu quả của từng khâu hoạt động. Công ty đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 từ năm 2011.
Nâng cấp Hệ thống Thông tin, Truyền thông – Xây dựng phần mềm Quản trị Công ty: Xây dựng phần mềm quản trị Công ty: Năm 2016 Công ty đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý hàng hóa, phần mềm quản lý nhân sự nhằm tăng cường tính minh bạch, hệ thống, kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý trong công tác điều hành, tăng cường kiểm soát hàng hóa, phương tiện, thể hiện rõ trách nhiệm của mỗi khâu trong quá trình hoạt động cũng như giảm bớt sự chồng chéo trong công tác báo cáo thống kê.
Hoạt động của bộ phận Kiểm soát Nội bộ: Là một trong 3 chức năng của phòng Pháp chế & Quan hệ cổ đông, năm 2016 công tác kiểm soát nội bộ thực sự đi vào hoạt động. Các công tác kiểm soát nội bộ đã thực hiện:
- Kiểm soát sự tuân thủ pháp luật, sự phù hợp và tính thống nhất của các văn bản quy phạm nội bộ trong Công ty;
- Kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ pháp luật và quy định nội bộ trong hoạt động sản xuất kinh doanh than của Công ty;
- Kiểm tra tính chính xác và đầy đủ của Báo cáo tài chính trước khi trình Lãnh đạo Công ty phê duyệt.
Công tác kiểm soát đã phát hiện ra những vấn đề bất cập, cần cải tiến trong hoạt động chuyên môn, kiến nghị giải quyết tồn tại, sự cần thiết chỉnh sửa một số văn bản quy phạm nội bộ hoặc thủ tục hồ sơ để đảm bảo tính pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Rủi ro thời tiết
- Kinh doanh than cám chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Vào mùa mưa, gió, bão, nguồn hàng khan hiếm, vận chuyển khó khăn, gây thất thoát hàng hoá. Độ ẩm than cao quá 14% cũng gây khó khăn cho sản xuất xi măng, đòi hỏi Công ty phải có các phương án lưu kho bãi, bảo quản hàng hợp lý để ổn định tiến độ cung cấp.
- Hoạt động vận tải sông, biển cũng là ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao đến từ thời tiết như: Giông lốc, bão lớn, gió xoáy, sóng thần, lũ lụt, hỏa hoạn, v.v.
- Thời tiết xấu cũng làm ảnh hưởng đến thời gian bốc dỡ hàng hóa và hành trình tàu, dẫn đến việc phát sinh thêm nhiều chi phí như ngày tàu, nhiên liệu, cảng phí.
Rủi ro thị trường
Về thị trường khai thác – kinh doanh than: Công ty có sự ổn định tương đối theo định hướng của Nhà nước, tuy vậy vẫn chịu sự chi phối của thị trường. Môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiềm ẩn nhiều rủi ro như lạm phát, suy thoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp,… tác động đến thị trường tiêu thụ, xuất khẩu xi măng cũng như việc khai thác than cung cấp cho các công ty xi măng. Cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế hoặc độc quyền trong khai thác kinh doanh than, phân khúc thị trường không đồng đều cũng là rủi ro mà chính nội bộ ngành mang lại. Một rủi ro khác về giá, đó là những biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu, cước vận tải và biến động tỷ giá hối đoái.
Về vận tải sông:
Phương tiện đường thủy nội địa phát triển nhiều về số lượng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu so với nhu cầu vận chuyển của Công ty như:
- Trọng tải lớn so với yêu cầu của các nhà máy và cảng vụ đường thủy nội địa;
- Độ chính xác của đăng kiểm phương tiện thủy nội địa thấp, chênh lệch giữa giám định mớn nước và cân lớn so với các chỉ tiêu quản lý giao nhận hàng hóa, đặc biệt là đối với than nhập khẩu.
Về vận tải biển: Nguồn hàng khan hiếm, giá cước thấp ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu khai thác tàu, trong khi đó yêu cầu về đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường hàng hải đòi hỏi ngày càng cao. Những yếu tố này đều làm giảm doanh thu và lợi nhuận của Công ty.
Về công tác tài chính: Lãi suất ngày càng có xu hướng tăng làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn. Khách hàng chiếm dụng vốn, không thanh toán đúng cam kết hợp đồng làm Công ty gặp phải khó khăn trong việc cân đối vốn.
Thị trường Bất động sản: Đang gặp khó khăn trong hấp thụ sản phẩm Bất động sản, khả năng thanh khoản chưa cao cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường này cũng là một trong những rủi ro được Công ty lưu ý và theo dõi sát sao.
Về công tác tổ chức cán bộ: Các cán bộ có kinh nghiệm, gắn bó với sự lịch sử hình thành và phát triển của Công ty trong những năm qua hầu hết đã gần đến tuổi nghỉ hưu, tạo áp lực lớn cho đội ngũ lãnh đạo và Ban quản trị cấp cao nhiệm kỳ mới trong việc chứng tỏ năng lực, gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư và khách hàng. Năm 2016, cùng với tư vấn OCD, Công ty đã xây dựng được khung năng lực, đánh giá cán bộ theo chuẩn năng lực, qua đó cho thấy năng lực của cán bộ còn thấp hơn so với chuẩn năng lực.
Rủi ro pháp lý
Rủi ro pháp lý luôn luôn là nguy cơ tiềm tàng đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng tới lợi ích cũng như không tăng cường được sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt và ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong lĩnh vực kinh doanh than: Rủi ro pháp lý đến từ những biến động của chính sách vĩ mô như thay đổi cơ chế, cơ cấu quản trị, chuyển đổi doanh nghiệp cổ phần,… Việc thiết lập các hệ thống, quy chế kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty chưa đầy đủ cũng làm hạn chế hiệu quả kinh doanh.
Về lĩnh vực vận tải đường thủy:
Rủi ro phát sinh khi các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng trong hợp đồng, hoặc có chọn nhưng không nắm rõ nội dung các quy định của luật được chọn, dẫn đến việc hiểu, viện dẫn các điều luật sai, không phù hợp khi giải quyết các phát sinh, hoặc rủi ro có thể đến từ các thông tin trên chứng từ không chuẩn xác (do người thực hiện chủ quan hoặc do các thiết bị cân đo chưa chuẩn xác, do thời tiết xấu…), chậm giao chứng từ, hoặc một bên sử dụng chứng từ giả để thanh toán…
Những thay đổi về mặt pháp lý như việc các cơ quan có thẩm quyền đưa ra các quy định và tiêu chuẩn, quy phạm nhằm thắt chặt hơn việc quản lý trong lĩnh vực vận tải biển khiến phát sinh thêm chi phí để có thể đáp ứng các quy định mới này. Ví dụ như Công ước lao động hàng hải MLC có hiệu lực đòi hỏi các chủ tàu phải trang bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt và làm việc của thuyền viên theo yêu cầu Công ước dẫn đến chi phí khai thác tăng thêm.
Về lĩnh vực đầu tư: Nếu các chính sách thay đổi liên tục thì sẽ dẫn tới việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng tòa nhà Comatce Tower gặp nhiều khó khăn. Công ty đã làm đầy đủ các thủ tục để được xin miễn tiền thuê đất theo quy định cũng như gia hạn tiền sử dụng đất nhưng Liên ngành không chấp thuận do nhu cầu đảm bảo Ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết các thủ tục công việc của Sở, Ban ngành còn chậm và chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Các quy định của pháp luật: Chưa thực sự hoàn thiện, chồng chéo cũng mang lại nhiều rủi ro và khó khăn cho công ty. Văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung. Nhiều văn bản còn quy định chung chung, thiếu rõ ràng, thậm chí chưa phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nên khó áp dụng. Việc thay đổi chính sách đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng dẫn đến áp lực về tài chính, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Kế hoạch thực hiện 2017
Trong năm 2017, hoạt động quản trị rủi ro tại Công ty sẽ vận hành theo đúng quy trình đã được ban hành, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro bao gồm con người, quy trình, trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt nhất mục tiêu quản trị rủi ro đối với các hoạt động kinh doanh hiện có. Cụ thể, quy trình quan trị rủi ro bao gồm 4 bước sau:
Kế hoạch quản trị rủi ro lĩnh vực kinh doanh than:
Rủi ro thời tiết:
- Cập nhật thường xuyên, liên tục dự báo biến đổi của thời tiết qua các kênh chính thống trong nước và quốc tế.
- Xây dựng kế hoạch mua, bán, huy động phương tiện theo thời điểm phù hợp với tình hình thời tiết.
- Có kế hoạch trang bị, dự phòng và bảo quản hàng hóa đầy đủ, đạt tiêu chuẩn.
- Khai thác nguồn hàng, nguồn vận tải đảm bảo đáp ứng nhu cầu về chất lượng, khối lượng phù hợp với từng thời điểm.
- Khi xảy ra rủi ro, kịp thời phối hợp với các ban, ngành lựa chọn giải pháp xử lý hợp lý.
- Theo dõi, tổng hợp và có kế hoạch phòng ngừa.
Rủi ro thị trường:
- Nhận định và dự báo chính xác nhu cầu thị trường ngắn hạn.
- Xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn phù hợp. Hạn chế các phương án có độ rủi ro cao. Dự báo mức biến động tỷ giá.
- Rà soát, cập nhật biến động nguồn cung và nhu cầu thị trường ngắn hạn, dài hạn.
Rủi ro pháp lý:
- Xây dựng chính sách quản trị và bổ nhiệm, bố trí nhân sự phù hợp, hiệu quả.
- Cập nhật thường xuyên các chính sách, quy định, luật sửa đổi.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ quản lý, nhân viên pháp lý và các nhân viên làm công tác kinh doanh.
- Rà soát các quy trình quản lý sản xuất kinh doanh trong Công ty.
Kế hoạch quản trị rủi ro lĩnh vực vận tải sông:
- Cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án chủ động ứng phó với thiên tai; xử lý khi xảy ra thiên tai; lập kế hoạch quản lý, đầu tư trang bị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đủ công năng, công suất đáp ứng yêu cầu hoạt động và thông tin cứu nạn.
- Nâng cao sự hiểu biết về pháp luật trong doanh nghiệp: Đào tạo, huấn luyện các kiến thức cơ bản về an toàn giao thông đường thủy cũng như hiểu biết về những quy định của pháp luật về vận tải thủy nội địa.
- Lựa chọn các đối tác tin cậy, đủ năng lực vận tải. Yêu cầu các đơn vị tham gia vận tải đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật và an toàn đường thuỷ.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình giao, nhận hàng hóa ở các chi nhánh và hành trình của phương tiện.
Kế hoạch quản trị rủi ro lĩnh vực vận tải biển:
- Bám sát tình hình thị trường để có kế hoạch và phương hướng điều chỉnh phương án kinh doanh phù hợp.
- Quản lý tốt kỹ thuật, vật tư, hành hải tàu biển và cung ứng, sửa chữa, đồng thời lựa chọn các thuyền viên có tay nghề tốt, có kinh nghiệm v.v.. nhằm giảm chi phí hoạt động tàu và quản lý tàu tốt hơn.
Kế hoạch quản trị rủi ro trong tổ chức lao động:
Công ty cần phải tập trung đào tạo huấn luyện, vừa thanh lọc vừa tuyển dụng mới, đồng thời có chính sách đãi ngộ phù hợp hơn về lương thưởng, cơ hội thăng tiến… để thu hút được lao động có trình độ, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lòng trung thành đối với cán bộ và người lao động.